“Shadow work” (tạm dịch: Làm việc với phần tối) được hiểu là đối mặt với “cái bóng” hay “mặt tối” bên trong con người. “Phần tối” dùng để chỉ những tính cách chúng ta luôn cố gắng kìm nén hay che giấu.
Có nhiều phương pháp để thực hiện “công việc” này như nhìn lại tuổi thơ, phóng chiếu, sử dụng nghệ thuật v.v. Tuy nhiên, điểm chung của chúng là đều cần dành thời gian kết nối với thế giới nội tâm để đối diện với “phần tối” bên trong mỗi người.
Làm việc với “phần tối” nghĩa là làm việc với chính mình. (Nguồn ảnh: BetterUp)
Nhận thức phần tối bên trong
Người lớn hay dạy những đứa trẻ hiếu động, tinh nghịch cần kiềm chế bản thân và ngoan ngoãn hơn. Ngược lại, đối với những đứa trẻ trầm tính, người lớn lại thúc đẩy chúng hòa nhập hơn với người khác. Vì thế, một bộ phận những đứa trẻ lớn lên dưới sự “định hướng tính cách” khiến chúng nghĩ bản chất vốn có không xứng đáng được người khác chấp nhận.
Nỗi lo sợ việc thể hiện bản ngã không được người khác ủng hộ. (Nguồn ảnh: The National)
Nhìn lại tuổi thơ, hiểu được bản thân khi còn nhỏ sẽ giúp giải quyết những tổn thương tâm lý từ bên trong. Từ đó, người thực hiện có thể học cách trân trọng cảm xúc cá nhân và phát triển toàn diện hơn. Đây cũng là một trong những phương pháp “Shadow work” hiệu quả nhất.
Sử dụng sự phóng chiếu cũng là một cách phổ biến để phản ánh phần tối bên trong bởi người khác chính là tấm gương soi chiếu chính mình. Nghĩa là, nếu bạn cảm thấy khó chịu với nét tính cách của đối phương thì đồng nghĩa với bạn cũng đang thấy không hài lòng với đường nét đó ở trong bạn. Đó chính là phần tối.
Ví dụ, cá nhân ghét một người vì người đó kiêu ngạo thì có thể họ cũng sở hữu những nét tính cách đó. Những nét tính cách này được cho là nằm trong phần mà họ chưa nhận thức, chưa chấp nhận. Bởi nếu con người thấu hiểu mình cũng có những “mặt tối” này, chúng ta sẽ có xu hướng cảm thông thay vì mất thiện cảm.
Tự vấn là một kỹ năng hiệu quả để “làm việc” với phần tối. Tất cả những gì người thực hiện cần làm chỉ là đặt những câu hỏi cho bản thân như “Tại sao mình lại có hành động như thế?”, “Nguồn gốc của phản ứng đó là gì?” v.v. Khi trả lời được những câu hỏi này, “phần tối” bên trong sẽ dần lộ ra, khi ấy con người cần học cách “ôm” lấy nó, chấp nhận và tìm cách khắc phục phần chưa hoàn thiện của bản thân.
“Mặt tối” cần được khám phá
Thấu hiểu “bóng tối” bên trong giúp con người dễ dàng thông cảm với người khác. Tuy nhiên, trên hết là sự thấu hiểu chính bản thân. Thay vì giam cầm cảm xúc sơ khai trong “lồng sắt”, chúng ta cần đối diện trực tiếp để không sợ hãi khi bị nó “thao túng” hành vi cá nhân.
“Cái bóng” cũng chính là gốc rễ của những hành động, thái độ hay cảm xúc tiêu cực. Xử lý nó cũng đồng nghĩa với việc phát triển bản thân toàn diện hơn, kiểm soát được những hành vi bộc phát.
“Phần sáng” lương thiện tượng trưng cho lý trí, đạo đức mỗi cá thể. Trong khi đó, “phần tối” lại thể hiện những ham muốn, cảm xúc sơ khai nhất. Thay vì kìm nén một trong hai thì con người cần trung hòa để tạo ra phiên bản tốt nhất của chính mình.
Đó cũng chính là thông điệp chương trình Halloween 2023: Symfonía của khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong muốn gửi gắm. Mỗi người trong chúng ta cần học cách hòa hợp những ham muốn và lý trí để tránh khỏi sự cám dỗ của cái tôi cá nhân và ngăn chặn những tác động tiêu cực của cuộc sống hủy hoại bản thân mình.
Bộ nhận diện chính thức của “Lễ hội ma” trường Báo năm nay
Tối ngày 31/10, đêm hội Halloween 2023: Symfonía sẽ chính thức diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hứa hẹn đem đến những giá trị nhân văn giúp khán giả thấu hiểu bản thân hơn.
Việt Anh