Thứ Sáu , Tháng Ba 29 2024

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?

Đã 10 năm kể từ ngày tôi rời cấp ba, rời lớp mười hai từ một ngôi trường nho nhỏ ven thành thị. Thuở đó, chúng tôi vẫn ngồi học toát mồ hôi trong các lớp học đông đúc, sĩ số lúc nào cũng trên 50, vừa quạt phe phẩy vừa cố gắng giải cho xong con tích phân này, “tụng” hết tiểu sử của Nam Cao, Tô Hoài rồi chia động từ sao cho chuẩn. Thoáng qua như mới hôm nào mà cũng đã 10 năm….

Thời gian lướt nhanh như trang vở trước gió, cuộc sống học trò giờ đã khác; các em có điều hòa, có Facebook và vô vàn những vật chất hiện đại nhưng có lẽ, thứ không bao giờ thay đổi là cảm giác luyến lưu khi ngày chia tay đã gần kề. Thế hệ của tôi và thế hệ của hiện tại, vẫn níu lại nhìn sân trường vắng vẻ, lừng chừng khi bác bảo vệ đóng cửa “đuổi” về, chỉ muốn là người cuối cùng đứng lại hành lang lớp học và nhìn mọi người ra về. Nếu đó là một ngày đầy nắng, nỗi buồn cũng bàng bạc trôi giữa tầng không.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 1.
Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 2.

“Gửi Trang thân mến,

Con còn nhớ bố không, bố dốt văn ít chữ mà cũng phải viết lưu bút cho mày là sao nhỉ? Quý mày nhất cái lớp 12A9 này nên bố mới viết cho mày đấy nhé…”

Lưu bút – cuốn sổ không có đầy kiến thức, không có điểm sổ nhưng chất chứa cả tình cảm của thời học sinh. Nó vẫn ở đâu đó trong ngăn tủ bàn học, cất sâu trong hộp ký ức hay theo chúng tôi khắp bốn phương trời.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 3.

“Còn có hơn tháng nữa thôi, viết nhanh lên tao còn đưa đứa khác viết…” – những cuốn sổ lưu bút cứ chuyền tay nhau “cộc cằn” mà mộc mạc như vậy. Ai cũng mong giữ lại được những ký ức thật đẹp của thời học sinh. Chúng tôi dặn nhau hãy viết vào giờ ra chơi, khi tiếng ve râm ran như thúc giục đám trẻ rằng “chẳng còn mấy ngày nữa là mùa hè ùa tới, mùa chia tay cũng theo nắng về từng lớp học”. Và viết vào buổi đêm nữa, khi nỗi sợ cổng trường đại học cứ cao dần, hãy nhớ lại từng gương mặt, những “anh, chị, bố, con” cũng đang hì hụi viết giấc mơ của đời mình – một giấc mơ dựng lên từ những buổi học ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài có khoảng trời cao vợi.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 4.

Lần hồi trong những năm tháng học sinh, có nỗi buồn đã thành dĩ vãng, có niềm vui cũng không còn vẹn nguyên nhưng cảm xúc trong từng trang lưu bút như vừa mới hôm qua. Có những người không viết lưu bút, họ gửi nhau một bức thư tay; đó là những câu từ đặc biệt hơn, một mối tình trung học dở dang hay lời yêu chưa dám ngỏ, để rồi khi thời gian dừng lại nơi đây, họ mới dám trao nhau không còn thẹn thùng. Mai sau này, chắc gì còn gặp nhau mà thẫn thờ?

Cuốn sổ lưu bút, chúng tôi luôn dành trang đầu tiên và cuối cùng cho người đặc biệt nhất. Nếu những mến thương dại khờ ngày nào có dần trôi qua, ta vẫn còn một ký ức để biết mình từng hạnh phúc.

“Cảm ơn mày vì đã để cho tao là người cuối cùng viết những dòng này. Tao từng nghĩ mày sẽ không chơi với tao nữa khi biết rồi tao sẽ đi du học, nhưng khi nào nhớ tao, không gọi được điện thì hãy cứ đọc hết 5 trang lưu bút này nhé…”

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 5.

Bất kể đó là tiết gì, chỉ cần biết đó là buổi học cuối cùng, ắt hẳn đó phải thực sự đặc biệt. Đó là buổi học trước giờ sinh hoạt; lần cuối cùng chúng tôi mở sách vở ra, nhìn cô giảng bài nhưng tâm trí đã đi hoang mải miết. Chúng tôi nghĩ về ngày bế giảng, buổi liên hoan cuối cùng, cánh cổng trường đóng lại trước mắt.

“Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019

Ôn tập cuối năm…”

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 6.

Tôi không nhìn ra chữ “ôn tập”, tôi chỉ thấy chữ “Tạm biệt”. Tôi không thấy lũ bạn hay cô giáo trên bục giảng, xung quanh mờ dần đi, từng người biến mất để lại mình tôi trong lớp học trống rỗng. Có lẽ tất cả đều đang nghĩ vậy. Chúng tôi chép từng lời cô giảng, dù đó là bài học rời rạc hay chẳng còn nghĩa lý gì – Vì đó là buổi học cuối cùng.

Nga không lấy vở toán ra làm trong giờ công dân, Mai không tranh thủ viết văn suốt giờ công nghệ, thằng Nam cũng không lén lút “cày” ngữ pháp tiếng Anh suốt giờ Hóa. Chúng tôi “trả” buổi học cuối cùng cho cô, bỏ lại những nghịch ngợm, hỗn hào, quậy phá bên ngoài cửa lớp, cố gắng thu vén những kỷ niệm cuối cùng nơi phấn trắng bảng đen. Tiếng đồng hồ tíc tắc như gõ nhịp lòng từng đứa một. Lũ học trò chúng tôi háo hức chờ hết năm là vậy mà sao khoảnh khắc ấy, tiếng trống hết tiết nghe mới buồn lòng làm sao.

Thầy cô sẽ lại quay về bục giảng, chúng tôi cũng sẽ về thăm trường cũ, lớp học cũng vẫn còn nguyên nhưng không còn là lớp học của chúng tôi, bài giảng của ngày xưa nữa.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 8.

Những gì người ta tả về mùa hè, ngày chia xa có lẽ cũng đúng như vậy. Tôi nhớ lại buổi bế giảng 10 năm trước, cành phượng già cỗi vẫn đơm hoa, níu vào tận cửa lớp, cái nắng oi gắt của tháng năm khiến chúng tôi chộn rộn nhưng lại thoáng buồn khi nghĩ ngày mai rồi sẽ như thế nào? Sẽ là một ngày không báo thức, không phải dậy sớm đến trường, chẳng còn ai hỏi tôi đã làm bài chưa cho nó chép với.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 9.

Cấp ba không phải một quãng thời gian đẹp với tất cả mọi người, nhưng rồi chúng ta vẫn sẽ nhớ, theo cách của riêng mình. Những buổi đến lớp ngồi riêng một góc không nói chuyện với ai, giờ ra chơi lang thang dưới sân trường một mình… đều in đậm trong ký ức. Cấp ba không chỉ là một khoảng thời gian vật lý, sự trưởng thành sinh lý – đó là những ngày tháng dần định hình lên con người tôi, con người bạn. Chúng ta sẽ là ai trong những năm tháng sau này?

“Tao chúc mày sẽ trở thành một nhà báo, mày viết lách không tệ đâu!”.

“Rồi mày sẽ được đi du học, tao hứa chắc chắn. Trên con đường phía trước, nếu mệt mỏi quá, cứ nhớ tới 12A9 nghe chưa?”.

“Dù là ai đi nữa, mày cũng cần mạnh mẽ hơn, khóc nhiều mệt mỏi lắm. Ở nơi xa ấy, tao sẽ nhớ bộ tứ chúng mình nhiều”.

Tôi không rõ mình sẽ là ai lúc đó, nhưng các bạn tôi biết: Tôi sẽ là người hạnh phúc, là nhà báo, là một người tử tế. Đó là những lời chúc của đám bạn hì hụi viết trên áo tôi. Có dòng chữ viết trên vai, mực lem nhem thành vệt, hóa ra vừa viết, cô bạn gục đầu lên vài mà khóc lúc nào không để ý. Còn có những người bạn, cả năm học được vài lần nói chuyện nhưng đọc lại từng lời mới nhận ra “hóa ra, sự hiện diện của mình cũng có ý nghĩa với ai đó tới vậy”. 10 năm, chiếc áo vẫn còn trong tủ, kín đầy những lời chúc, gửi gắm và chia sẻ, động viên.


Chúng tôi cố gắng để lưu lại những kỷ niệm xanh màu nhất trong cuộc đời nhau, vớt vát lại chút giờ phút luyến lưu. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc đời, những người trẻ hiểu chia xa là gì. Rồi sau này, có bao mối tình chia tay, bao công việc thay đổi, người ta vẫn không thấy buồn như ngày cuối cùng của thời học sinh.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 11.

Trên sân trường hôm ấy, tôi thấy chúng tôi như những người đã sắp bước sang tuổi trưởng thành, rời khỏi nơi nương náu của tuổi học trò, làm gì sai đã có thầy cô bố mẹ chở che. Trên sân trường hôm ấy, chúng tôi hít một hơi thật sâu, hét thật lớn lời chào tạm biệt. Những niềm vui, háo hức lao vào vùng trời tự do đầy hấp dẫn sau bao nhiêu năm chờ đợi. Ấy vậy mà, một đứa cất tiếng khóc, cả đám lại chùn lòng.

Hôm đó, tôi thấy cả những giọt nước mắt, cái ôm nhau thật chặt và lời hẹn ngày trở lại. Cuộc đời từ đây sẽ chia làm nhiều ngã rẽ, có thể sẽ không còn đi ngang đời nhau. Sụt sùi tiếc nuối ngày tháng hồn nhiên mơ mộng, những lời hẹn nhạt nhòa trong dòng nước mắt: “Nhất định bọn mình sẽ gặp lại nhau, đừng khóc nữa”. Đứa mạnh mẽ nhất cũng đứng cười khềnh khệch rồi lén quay mặt đi để không ai thấy.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 12.

Những buổi tan trường, đám học sinh chạy thục mạng ra khỏi cổng, chẳng cần ai giục: Tiệm nét, hàng quà vặt, lớp học thêm, quán trà sữa – đó là những điểm hẹn thân thuộc hơn trường học. Ngày hôm đó thì khác, bác bảo vệ phải giục mãi chúng nó mới về. Thơ thẩn trên sân, ai cũng muốn thu lại những gì cuối cùng còn sót lại nơi đây: bờ tường rào từng trốn tiết, lớp học suốt ba năm đằng đẵng, hành lang ấy bị thầy giám thị phạt vì ăn quà vặt trong lớp, văn phòng giáo viên cũng là nơi quen thuộc của nhiều người. Tôi cứ nghĩ người ta chia tay mùa đông sẽ buồn vì trời ảm đạm, nhưng sao có nắng gió, có bầu trời trong xanh, cô bạn thân tôi vẫn lem nhem nước mắt?

Cổng trường đóng lại, sách vở gom đầy cặp sách, ký ức gom đầy trong tâm trí, chúng tôi ngập ngừng đạp xe đi rồi ngoái đầu trở lại vài lần. Ai rồi cũng đi qua thời học sinh, cũng dăm ba lần ngây dại và ngốc nghếch, cũng hạnh phúc và chối bỏ lớp học hay bạn bè nhưng khi mọi thứ kết thúc, thứ còn lại chỉ là luyến lưu.

Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?  - Ảnh 14.

 

Theo Trí thức trẻ

Nên xem

Từ môi trường học tập quốc tế tại UEF đến cơ hội thực tập, làm việc đa quốc gia

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) có thế mạnh về trang bị tiếng Anh, theo đuổi mục tiêu đào tạo sinh viên thành những"công dân toàn cầu" trong bối cảnh hội nhập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *